Lịch Sử Phát Triển Dòng Gốm Chu Đậu Hải Dương

Viết bởi Tạ Đình Tuấn, Ngày 14/06/2021
Lịch Sử Phát Triển Dòng Gốm Chu Đậu Hải Dương

Mỗi dòng gốm đều có lịch sử phát triển riêng. Gốm Chu Đậu cũng được hình thành, phát triển, thăng trầm theo dòng chảy của lịch sử nước nhà.
   Chu Đậu, theo nghĩa Hán là bến thuyền đỗ. Vào thế kỷ XV, Chu Đậu là một xã nhỏ thuộc huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương, nằm liền kề với tả ngạn sông Thái Bình, một nhánh của sông Lục Đầu, có thể về Thăng Long, ra biển thuận lợi cho giao thương, buôn bán.
   Gốm Chu Đậu là dòng gốm mỹ nghệ cao cấp, có niên đại vào khoảng thế kỷ XIII- XIV, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV-XVI. Sang thế kỷ XVII, gốm Chu Đậu bị thất truyền, nguyên nhân gây ra thất truyền cho gốm Chu Đậu là cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh- Mạc tại vùng châu Nam Sách, kẻ trực tiếp bức tử gốm Chu Đậu là Trịnh Tùng- kẻ dành thắng lợi trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ấy.
   Địa danh gốm Chu Đậu lụi tàn nhưng phong cách gốm Chu Đậu vẫn được gìn giữ bởi những người thợ tài hoa trên đường di tán. Tại Bát Tràng có một chi của dòng họ Vương từ Chu Đậu chuyển đến từ cuối thế kỷ thứ XVI, đã cùng các dòng họ từ Thanh Hoá, Nam Hà tụ lại Bạch Hổ phường làm nên một dòng gốm Bát Tràng phát triển cho đến tận ngày nay.
   Trong gia phả họ Vương còn ghi chép lại: Dòng họ Vương ở xã Đặng Xá, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, lấy nghề gốm làm nghiệp sau có một chi di cư về xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Cụ Vương Quốc Doanh là người đỗ đạt có công cùng các dòng họ khác làm hưng thịnh dòng gốm tại Bát Tràng.
   Sau khi thất truyền nghề gốm làng Chu Đậu chỉ được biết đến với nghề dệt chiếu. Trước đây, ở ngoài Bắc, khi trong nhà có người lập gia đình, người khá tiền thường mua một vài cặp "chiếu đậu" để cho cô dâu chú rể dùng. Dân làng bây giờ chỉ còn biết làm ruộng và dệt chiếu, họ không biết làm đồ gốm nữa và cũng không ngờ rằng ông cha họ đã từng làm được những đồ gốm tinh xảo, tuyệt mĩ. Các lò gốm ngày xưa nay đã nằm sâu dưới ruộng nương, vườn tược. Một địa danh trong làng là "Đống Lò" nhưng chính dân làng cũng không biết đó là lò gì? Dấu vết của gốm đã bị chìm sâu dưới lòng đất, biến mất hẳn trong kí ức của dân làng.
   Chuyện hồi sinh của làng gốm cổ Chu Đậu bắt nguồn từ một lá thư của Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản, ngài Makoto Anabuki gửi ông Ngô Duy Đông- Bí thư tỉnh uỷ Hải Hưng (cũ) năm 1980. Bức thư viết : Trong một chuyến công tác tới Thổ Nhĩ Kỳ, ông có dịp vào thăm bảo tàng Topkapi Saray ở thủ đô Istanbul và đã thích thú chiêm ngưỡng bình gốm hoa lam cổ cao 54cm của Việt Nam- báu vật của Thổ Nhĩ Kỳ được mua bảo hiểm với giá 1triệu USD. Trên bình có ghi 13 chữ Hán "Thái Hoà bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút". Nghĩa là năm Thái Hoà thứ 8 (1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi. Ông Anabuki đã nhờ ông Bí thư tỉnh uỷ xác định cho ngài vào thời vua Lê Nhân Tông có Nam Sách châu không? Ở đâu? Bà (hay cô) Bùi Thị Hý là người như thế nào? Học kĩ thuật vẽ gốm ở đâu? Hồi đó sản xuất gốm đặt ở đâu? Điều này rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử thủ công nghiệp và vai trò của người phụ nữ Việt Nam nói riêng.


   Lá thư đó trở thành chất xúc tác để tìm ra gốm Chu Đậu, cùng với những sưu tập gốm mỹ nghệ của Đặng Huyền Thông đã gợi mở cho các nhà khảo cổ học về một lò gốm mỹ nghệ ở Nam Sách xưa. Năm 1983, công cuộc tìm kiếm vết tích dòng gốm cổ ở Chu Đậu, Nam Sách được bắt đầu bằng một chuyên đề: "Nghiên cứu gốm sứ cổ Hải Hưng". Thôn Chu Đậu là một trong 14 địa điểm được khảo sát, khai quật, nghiên cứu với độ sâu trung bình 2m, vùng đát khai quật là 160m2 trên tổng diện tích 40.000m2. Từ năm 1986 đến nay chúng ta đã tiến hành 8 lần khai quật di tích thuộc xã Thái Tân và Minh Tân phát hiện được hàng vạn hiện vật với các loại bát đĩa, ấm, bình, con giống, chậu,... điển hình là một bình tỳ bà bán đáu giá tại Mỹ được 521 ngàn USD. Hiện nay còn trên 100 lò gốm cổ ở hai xã trên chưa được khai quật.
   Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, năm 1993, tại eo biển Philipin, người ta đã trục vớt một con tàu đắm ở thế kỷ XV, trong đó có 3000 đồ gốm và được xác định là gốm Chu Đậu. Năm 1997, Nhà nước ta cũng trục vớt được một con tàu đắm tại Cù lao Chàm với khoảng 340 ngàn hiện vật, trong đó có 240 ngàn hiện vật còn lành lặn. Các nhà khoa học xác định, con tàu chở hiện vật gốm mỹ nghệ từ Chu Đậu. Đến nay, các học giả nghiên cứu về đồ gốm mỹ nghệ đều thừa nhận rằng, gốm Chu Đậu là dòng gốm đẹp trên thế giới vào thế kỷ XIV- XVII.
    Hiện nay 46 bảo tàng danh tiếng ở 32 nước trên thế giới và trong khu vực đang trưng bày hiện vật gốm cổ Chu Đậu. Năm 2001, nhận thấy vai trò quan trọng trong việc khôi phục làng nghề gốm cổ Chu Đậu kết hợp với du lịch làng nghề, Tổng công ty Thương Mại Hà Nội đã đầu tư giai đoạn 1 là 24 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để khôi phục lại dòng gốm cổ đã thất truyền. Năm 2003, gốm Chu Đậu đã xuất công hàng đàu tiên sang Tây Ban Nha. Năm 2004, gốm Chu Đậu đã khánh thành gian trưng bày với 1000m2  để trưng bày giới thiệu các sản phẩm phục chế các mẫu mã cổ.
   Với những nỗ lực của mình gốm Chu Đậu đã được đại tướng Tổng tư lệnh tặng cho 9 chữ vàng :"Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hoá Việt Nam".
   Nói đến sản phẩm gốm Chu Đậu chúng ta không thể không tự hào nhắc đến những nghệ nhân như Đặng Huyền Thông, Bùi Thị Hý, Vương Quốc Doanh đã khai sinh ra dòng gốm Hoa lam, đặc trưng cho gốm thời Hậu Lê và cũng là thành tựu huy hoàng của mỹ nghệ nước nhà. Họ là những người con quê hương Chu Đậu có trái tim đầy nhiệt huyết và bàn tay tài hoa đã thổi hồn vào đất để đất hoá thành các sản phẩm gốm mang hồn thiên của quê hương xứ sở.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: